Bạn đã thâm gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng đã mất hiệu lực do tài chính của bạn gặp chút khó khăn. Vậy ở thời điểm kinh tế bình thường trở lại, bạn nên mua hợp đồng bảo hiểm mới hay khôi phục hợp đồng mất hiệu lực?
Hiệu lực hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hiệu lực hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian từ khi bên mua bảo hiểm bắt đầu xác nhận việc tham gia hợp đồng với công ty bảo hiểm cho tới hết thời hạn bảo vệ theo quy định tại điều khoản.
Việc xác nhận tham gia hợp đồng bảo hiểm được lập thành văn bản cam kết với giấy chứng nhận bảo hiểm, điều khoản và quy tắc rõ ràng trong bộ hợp đồng. Tùy vào mỗi sản phẩm cũng như quy định khác nhau mà thời hạn hiệu lực của hợp đồng cũng không giống nhau.
Thông thường, ngày hiệu lực hợp đồng sẽ bắt đầu từ ngày bên mua bảo hiểm ký xác nhận vào đơn yêu cầu bảo hiểm và hoàn tất nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm đầy đủ theo quy định.
Trong suốt thời gian hiệu lực hợp đồng, người được bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm cam kết bảo vệ và đền bù theo số tiền bảo hiểm quy định nếu không may sau đó có rủi ro xảy ra.
Ở thời điểm có những sự kiện bảo hiểm xảy ra, hợp đồng bảo hiểm chắc chắn phải còn hiệu lực thì bên mua bảo hiểm mới được xem xét chấp thuận chi trả quyền lợi.
Thời điểm nào hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực?
Hợp đồng bảo hiểm được đóng phí đầy đủ, đúng hạn theo quy định chắc chắn sẽ luôn còn hiệu lực và bảo vệ khách hàng theo những quyền lợi cam kết ban đầu.
Bởi vậy, trong những trường hợp khách hàng kéo dài thời gian hay chậm trễ trong việc đóng phí bảo hiểm khi tới hạn thì hợp đồng sẽ mất hiệu lực theo quy định.
Tùy từng sản phẩm bảo hiểm mà cách quy định thời gian mất hiệu lực hợp đồng cũng không giống nhau. Thường thì khi tới thời hạn đóng phí của hợp đồng, bên mua bảo hiểm nếu chưa đóng được phí thì hợp đồng sẽ có thời gian gia hạn đóng phí là 60 ngày.
Tại Khoản 2 Điều 35. Đóng phí bảo hiểm nhân thọ quy định: “Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thêm thỏa thuận khác”.
Như vậy, sau thời gian gia hạn đóng phí 60 ngày mà các khoản phí bảo hiểm tới hạn vẫn chưa được bên mua bảo hiểm thực hiện thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động mất hiệu lực. Và trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm hợp đồng mất hiệu lực, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu khôi phục lại hiệu lực hợp đồng đã mất sau khi hoàn tất các nghĩa vụ về phí bảo hiểm.
Điều này cũng được quy định rõ tại Khoản 4 Điều 35: “Các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 35 trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu”.
Vậy nên tham gia hợp đồng bảo hiểm mới hay khôi phục hợp đồng mất hiệu lực?
Trước tiên, ở thời điểm muốn xem xét lại việc tham gia hợp đồng mới hay khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm cũ, bạn nên liên hệ với tư vấn viên tài chính của mình để xem lại toàn bộ quyền lợi đã có trong hợp đồng đang mất hiệu lực.
Hãy cân đối xem các quyền lợi trong đó có còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của bạn và gia đình hay không? Nếu không thì cần bổ sung thêm những quyền lợi gì?
Sau khi rà soát xong, hãy xem lại chính xác khoảng thời gian hợp đồng của bạn mất hiệu lực. Bởi mỗi khoảng thời gian mất hiệu lực dài ngắn khác nhau, thường sẽ có những quy định riêng cụ thể tùy theo từng công ty.
Ví dụ nếu hợp đồng của bạn mới mất hiệu lực khoảng 3 tháng thì thường các công ty sẽ không yêu cầu khai thêm thông tin sức khỏe khi khôi phục hiệu lực hợp đồng, và ngược lại trong trường hợp dài hơn, đơn yên cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng cần có thêm tờ khai thông tin sức khỏe hiện tại của những người được bảo hiểm liên quan trong hợp đồng.
Ngoài ra, cũng có thể thấy hiện nay, các công ty bảo hiểm nhân thọ thường xuyên ra các sản phẩm bảo hiểm mới với nhiều quyền lợi ưu đãi hấp dẫn, ưu việt hơn nhiều so với các sản phẩm cũ.
Bởi vậy, tại thời điểm tài chính của bạn và gia đình đã ổn định trở lại để tính tời chuyện tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm, bạn hãy dựa trên những phần quyền lợi còn thiếu trong hợp đồng cũ để nghiên cứu thêm các sản phẩm mới, nhằm giúp tối đa hóa phạm vi bảo vệ cho mình.
Bên cạnh đó, hãy khôi phục hiệu lực hợp đồng cũ để đảm bảo những khoản phí bảo hiểm mà bạn đã dày công đóng đủ trước đây sẽ không bị mất đi một cách vô nghĩa.
Hy vọng, qua bài chia sẻ này, bạn đã có thêm kinh nghiệm để xử lý những hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Tùy vào nhu cầu và khả năng tài chính, hãy lựa chọn phương án khôi phục hiệu lực hợp đồng cũ hoặc tham gia thêm một hợp đồng mới để đảm bảo quyền lợi bảo vệ luôn được mức tối đa theo nguồn tài chính hiện có bạn nhé!
Liên hệ tư vấn để nhận ngay các thông tin hữu ích về bảo hiểm nhân thọ tại đây!
Thân!
Nghiêm Ngọc Hương
Founder & CEO Tín đồ Bảo Hiểm
XEM THÊM